19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7, trong đó 3 nơi đang thực hiện và bổ sung 16 địa phương khác.
Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Quyết định trên được đưa ra trước “tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, và vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết”.
Thủ tướng lưu ý, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Với các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày 17/7, căn cứ kết quả chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định tiếp tục giãn cách xã hội như trước đây, hoặc kéo dài thời gian cùng với các tỉnh mới được bổ sung.
Các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16; chú ý đảm bảo nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh xã hội…
“Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh Covid-19 nặng”, Thủ tướng giao nhiệm vụ và đề nghị các địa phương kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”…
Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tự lực, tự cường, chia sẻ, ủng hộ và thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện; thay mặt Thủ tướng giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền.
Về việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ này đã chuẩn bị các kịch bản và “khẳng định với người dân là chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý người dân chuẩn bị tinh thần “sẽ có những xáo trộn nhất định”.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với TP HCM và tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chị thị 16, và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận”, ông Hải nói.
Hiện TP HCM dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, do đó 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Ông Hải cho rằng “phải tăng giờ bán lên hàng ngày và tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch”. Qua đó, tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một việc đang được áp dụng có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc, như hệ thống bưu điện… “Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của bộ ngành, địa phương. Chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân; mọi người không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định”, ông Hải nói thêm.
Làn sóng Covid-19 thứ tư ở phía Nam từ TP HCM lan ra các tỉnh từ cuối tháng 5. Lúc này, trung bình một ngày mỗi tỉnh, thành chỉ ghi nhận 10-20 ca nhiễm. Nhưng một tuần qua, đồ thị số ca nhiễm các tỉnh, thành này tăng vọt, với số ca nhiễm trung bình một ngày ở mỗi tỉnh trên 50 ca, có nơi như Bình Dương 148 ca, TP HCM 1.350 ca.
Đến nay, tất cả 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ và 13 địa phương Tây Nam Bộ đều xuất hiện ca nhiễm. Trong đó, các tỉnh Bình Dương 2.299 ca, Đồng Tháp 1.080 ca, Tiền Giang 731 ca, Đồng Nai 618 ca, Long An 564 ca… Tính đến sáng nay, 19 tỉnh, thành đã ghi nhận 31.986 ca, chiếm 75% số ca của cả nước (42.663 ca).
TP HCM, Đồng Nai đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7; Bình Dương cách ly xã hội từ với 4 đô thị lớn là TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, Dĩ An và xã Tân Uyên từ 9/7…
19 tỉnh thành nêu trên có tổng diện tích hơn 50.000 km2; dân số khoảng 35 triệu người.
Theo: vnexpress.net